NGHI THỨC MÔNG SƠN THÍ THỰC
4. Mông Sơn Thí ThựcCÚNG THÍ THỰC – CÚNG CHÚNG SINH
Ý NGHĨA CÚNG THÍ THỰC – MÔNG SƠN THÍ THỰC
Diệm Khẩu là gì? Diệm Khẩu là mời quỷ ăn cơm, là đãi tiệc! Diệm Khẩu, Đại Mông Sơn hay Tiểu Mông Sơn đều là mời quỷ ăn cơm, bạn cần phải hiểu rõ điều này. Trong đó tiêu trừ nghiệp chướng là tiêu trừ loại nghiệp chướng gì? Đó là nghiệp chướng do oán kết với các loài quỷ này. Trước kia bạn đã làm điều gì không phải với họ, nay mời họ ăn một bữa, hy vọng họ tha thứ cho bạn, hóa giải oán hận, tiêu trừ loại nghiệp chướng này. Do vậy các vị cần phải hiểu rõ. Việc thí thực, Diệm Khẩu chính là thí thực, Mông Sơn cũng là thí thực, là đãi khách! Ở nhân gian cũng vậy, nếu có việc gì cần nhờ người khác, thì phải mở tiệc chiêu đãi, đó chính là phóng Diệm Khẩu, Mông Sơn thí thực là làm việc này.
Trích bài giảng “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” Tập 28
MỘT SỐ HỎI ĐÁP VỀ CÚNG THÍ THỰC
Hỏi: Cư sĩ vãng sinh rồi thì người nhà có cần phải cúng thí thực không?
Đáp: Nghi thức này nếu quen thuộc rồi thì có thể làm. Quỷ thần, chúng sinh ở cõi u minh, họ cũng là một trong những chúng sinh trong lục đạo. Phật pháp vô cùng từ bi, Phật không những dạy người mà còn dạy cho tất cả chúng sinh ở trong chín pháp giới. Phật ở trong kinh điển dạy khi có những việc này, chúng ta cũng nên giúp đỡ họ. Việc cúng thí thực này, bất luận là ở am đường, chùa chiền, hoặc là ở gia đình mình, ngay cả khi chúng ta đi du lịch bên ngoài, thì giống như Thế Tôn thời đó, có thể làm ở dưới cây trong rừng, ở nơi đồng ruộng.
Trích Học Phật Vấn Đáp (2006) – HT Tịnh Không trả lời tại Hồng Kông
Hỏi: Do tâm của chính mình chưa đủ thanh tịnh, sợ rằng chúng sinh không được lợi ích nên không dám thí thực, vậy làm thế nào mới có thể khiến chúng sinh hưởng được lợi ích chân thật?
Đáp: Khi bạn thí thực, tâm của bạn thanh tịnh là được rồi, thông thường tâm không thể thanh tịnh thì tu tâm thanh tịnh trong một phút, lúc này bạn có thể thí thực, khi thí thực một vọng niệm cũng không sinh, điều này là đạo lý nhất định. Bạn thấy người vẽ bùa trước đây, khi bút của họ vừa đặt xuống liền vẽ xong một lá bùa, không có một vọng tưởng thì lá bùa này sẽ linh nghiệm, nếu có vọng tưởng thì sẽ không linh. Lúc bình thời tâm không thanh tịnh, còn lúc này tập trung toàn bộ tinh thần, tâm địa thanh tịnh thì lá bùa sẽ linh nghiệm. Đạo lý không phải là như vậy hay sao? Niệm chú cũng như vậy, vì sao chú linh nghiệm, niệm chú Đại Bi, chú Đại Bi Thủy Sám rất linh, niệm chú Đại Bi từ đầu đến cuối không có một vọng tưởng thì chú Đại Bi này linh rồi, vọng tưởng xen tạp vào thì không linh nữa. Cho nên, lúc này ý chí tinh thần cần phải tập trung, trong khoảng thời gian ngắn thì có thể làm được. Do vậy người xưa nói tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật, bởi vì Phật hiệu là ngắn nhất, càng ngắn thì không xen tạp vọng tưởng, rất dễ dàng, dài quá thì khó rồi, tập khí phàm phu của chúng ta liền sinh khởi. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì bạn sẽ yên tâm mà thí thực, thời gian thí thực này khoảng hai đến ba phút nhất định không nên có vọng tưởng phân biệt chấp trước, tâm của bạn liền thanh tịnh, quỷ thần đều được hưởng lợi ích. Nếu khi thí thực, vừa niệm chú vừa khởi vọng tưởng vậy thì chúng sinh không được hưởng lợi ích. Vì vậy hiểu rõ đạo lý này thì sẽ tốt.
Trích từ bài giảng “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” Tập 112/128